Kết quả, đánh giá và ảnh huởng Trận_Kiev_(1941)

Trận Kiev đẫm máu có thể được xem là chiến thắng vinh quang nhất của Hitler và Nhà nước phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Xô-Đức, cũng như một thảm bại kinh hoàng nhất của Liên Xô thời bấy giờ và là một trong những thắng lợi lớn nhất của Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, với việc các Tập đoàn quân Liên Xô bị tiêu diệt và con đường rộng mở cho người Đức xâm chiến vùng Ukraina giàu có.[2][7] Thậm chí, có ý kiến xem đây là một thắng lợi quân sự lớn nhất thời hiện đại.[3]

Kết quả

Tình hình mặt trận Xô-Đức đến tháng 9 năm 1941

Theo số liệu năm 1993 của Bộ tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga, quân đội Xô Viết đã tổn thất lớn với tổng số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu lên đến 700.544 người, trong đó có 616.304 người chết, bị bắt và mất tích, 84.240 người bị thương; 411 xe tăng bị bắn hỏng, 28.419 pháo và súng cối bị phá hủy hoặc rơi vào tay quân Đức, 343 máy bay bị bắn rơi.[42] Tù binh Liên Xô rất đông, song rất ít người còn sống sót khi chiến tranh kết thúc.[43] Cụm tập đoàn quân Nam của Đức cũng bị tổn thất hơn 10 sư đoàn, trong đó có ba sư đoàn xe tăng.[44]

Trận Kiev kết thúc chiến cục mùa hè năm 1941 tại phần phía nam mặt trận Xô-Đức. Quân đội Đức Quốc xã gần như chiếm trọn lãnh thổ Ukraina với các vùng mỏ than Donbass, quặng sắt ở Krivoy rog, khu công nghiệp nhẹ Nikolaev, khu công nghiệp luyện kim Zaporozhye, khu công nghiệp cơ khí chế tạo Kharkov. Toàn bộ vùng đất màu mỡ trồng lúa mỳ tại hạ nguồn sông Dniestr, Dniev, Donets rơi vào tay quân Đức. Ngoài ra, vùng trung và hạ lưu sông Đông, hạ lưu sông Volga, hai tuyến huyết mạch giao thông đường thủy trên phần phía đông lãnh thổ Liên Xô tại châu Âu cũng bị đe doạ. Việc quân đội Đức Quốc xã tiến về phía nam, cắt đứt vùng trung tâm Liên Xô với vùng dầu mỏ Kavkaz và đánh chiếm kho tài nguyên này quý giá đã trở thành một nguy cơ lớn trên thực tế đối với Liên Xô. Thành công của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã mở đường cho Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức Quốc xã điều về hướng Moskva những binh đoàn mạnh nhất để tiến đánh vào thủ đô Liên Xô.

Mặc dù phải trả tập đoàn quân xe tăng 2 và tập đoàn quân dã chiến 2 về hướng Moskva, Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) vẫn có đủ lực lượng để gây sức ép trên tuyến mặt trận từ Livny qua phía đông Kursk, Belgorod, Akhtyrka, Izium, Barvenkovo đến Taganrog. Sự thất bại của Phương diện quân Tây Nam và cuộc rút lui nhanh chóng của Phương diện quân Nam để tránh khỏi bị hợp vây đã làm cho cuộc phòng thủ của cụm quân Duyên Hải (Liên Xô) tại Odessa rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Kể cả khi được hạm đội Biển Đen (Liên Xô) của đô đốc Oktiabrsky đã phối hợp chặt chẽ với cụm quân của tướng Safronov nhưng họ cũng chỉ đứng vững được đến ngày 16 tháng 10. Rồi phải lui về giữ Sevastopol cũng trong tình trạng bị tập đoàn quân 11 (Đức) bao vây cô lập hoàn toàn sau khi chiếm gần trọn bán đảo Krym. Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô đã bù đắp cho những thiệt hại vô cùng lớn sau chiến cục mùa hè năm 1941 ở mặt trận Tây Nam bằng các đợn vị dự bị mới được động viên. Tập đoàn quân 40 được bổ sung thêm ba sư đoàn mới giữ hướng Voronezh. Tập đoàn quân 21 (tái lập) giữ hướng Belgorod. Tập đoàn quân 38 giữ hướng Barvenkovo cùng với tập đoàn quân 6 (tái lập) giữ hướng Izium tạo thành một "chỗ lồi" nhô về phía quân Đức. Tại Phương diện quân Nam, tập đoàn quân 12 đóng phía trước Voroshilovgrad, tập đoàn quân 18 và tập đoàn quân 37 (tái lập) phòng thủ trên tuyến sông Miush. Tập đoàn quân 9 giữ Rostov on Don.[45]

Với sự tan nát của hệ thống phòng ngự Liên Xô, xem ra quân Đức đã có thể tiến thẳng tới Moskva.[46] Tuy nhiên, những chiến quả của Quân đội Đức tại hướng Tây Nam Liên Xô cũng có những mặt trái của nó. Quân Đức thắng lợi nhưng tổn thất cũng cao. Do việc phải rút bớt cánh phải của Cụm tập đoàn quân Trung tâm để phối hợp với cánh trái của Cụm tập đoàn quân Nam tiêu diệt Phương diện quân Tây Nam của Liên Xô, quân đội Đức đã để lỡ thời cơ thực hiện chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh trên hướng Moskva. Việc Phương diện quân Tây Nam duy trì được sức phòng thủ và phản đột kích trong vòng gần ba tháng tại Ukraina đã làm cho kế hoạch Barbarossa của Bộ chỉ huy tối cao Đức không thể thực hiện suôn sẻ. Chiến sự tại đây đã thu hút một phần rất lớn binh lực của Đức trong một thời gian đủ lâu, cho phép Liên Xô tranh thủ quãng thời gian quý báu đó để huy động đủ lực lượng dự bị cho chiến cục mùa đông 1941-1942.[7][47] Thành thử, tuy giành một thắng lợi tác chiến vang dội nhưng người Đức đã không còn bất kỳ cơ hội nào để tiêu diệt Liên bang Xô viết, dù ở Đức khi ấy gần như chưa có ai nhìn nhận khía cạnh của thắng lợi cuối cùng của Liên Xô, mà họ chỉ chú tâm đến vấn đề quân Đức sẽ chinh phạt Đông Âu trong vòng bao lâu ?.[3][43]

Đánh giá

Trận Kiev được đánh giá như một trong những vận động quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, cũng như là đỉnh cao của những thắng lợi lớn và dồn dập của Đức Quốc xã trong giai đoạn đầu cuộc Chiến tranh Xô-Đức[48].[46] Thượng tướng Maximilian Freiherr von Weichs - chỉ huy Tập đoàn quân số 2 của Đức - đã nhìn nhận về ý nghĩa quan trọng của thắng lợi này bên cạnh những trận đánh lớn trong lịch sử:[43]

Tôi tin chiến thắng này là một trong những chiến dịch tuyệt vời nhất trong lịch sử chiến tranh, và vì cái tài nghệ mà nhờ đó chiến lược của nó đã được thực thi nó nó có thể chiếm một vị trí kiêu hãnh bên cạnh những trận hợp vây lớn khác trong quá khứ ở CannaeTannenberg.
— Weichs

Về Quân đội Liên Xô

Thất bại tại Kiev của quân đội Liên Xô có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, trách nhiệm đó thuộc về cả sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh tối cao cũng như Bộ Tư lệnh và bộ tham mưu các phương diện quân. Stalin đã tỏ quá chủ quan, mang lại thảm họa cho Quân đội Liên Xô[7]. Ngoài nguyên nhân do Ban lãnh đạo Liên Xô mà đứng đầu là I. V. Stalin đã tính toán sai thời điểm khởi động tấn công của quân đội Đức còn có những nguyên nhân khác thuộc về công tác chỉ huy tác chiến.

Trước hết, đó là sự chậm trễ của Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô trong việc đưa binh lực ra tuyến biên giới. Đầu tháng 6, khi phát hiện quân Đức đang tập trung xe tăng, trọng pháo và máy bay trên toàn tuyến biên giới do Quân khu đặc biệt Kiev đảm nhận, thượng tướng M. P. Kirponosh, tư lệnh quân khu đã ra lệnh điều động các binh đoàn chủ lực ra chiếm lĩnh các khu phòng thủ trên biên giới thì Moskva lại chất vấn họ: "Căn cứ vào đâu mà ra lệnh cho quân đội chiếm lĩnh tuyến phòng thủ tiền tiêu". Thượng tướng M. P. Kirponosh đành phải hủy bỏ mệnh lệnh của mình. Sự chất vấn vô lý này đã làm cho Quân khu Kiev bỏ mất mấy ngày quý báu đó để triển khai lực lượng và chủ động phòng ngự. Đến ngày 17 tháng 6, họ mới được phép triển khai năm quân đoàn bộ binh ra tuyến một thì chỉ còn năm ngày để chuẩn bị và chuyển quân trong khi các khu phòng thủ vững chắc vẫn còn đang xây dựng dở dang. Theo kế hoạch của Phòng tác chiến Bộ tham mưu phương diện quân Tây Nam, dù mọi điều kiện là thuận lợi nhất thì đến ngày 25 tháng 6, quân đoàn bộ binh 37 mới đến được tuyến Przemysl; ngày 26, quân đoàn bộ binh 55 mới tập kết tại Brezhany (???); ngày 27, quân đoàn 36 mới đến được vùng Dubno - Kozin - Kremenets; ngày 28, quân đoàn bộ binh 31 mới có thể đến Koven; ngày 30, quân đoàn bộ binh 49 mới đến được Dunaiv. Và chiến tranh đã nổ ra ngày 22 tháng 6 trong khi tất cả các đơn vị này vẫn còn đang trên đường hành quân và bị không quân Đức gây thiệt hại nặng trước khi bị xe tăng Đức tấn công trên mặt đất. Còn các quân đoàn thuộc thê đội hai vẫn đóng trên biên giới cũ, cách thê đội một từ 250 đến 300 km, không thể kịp vận động đến tăng viện cho thê đội 1.[49]

Nguyên nhân tiếp theo thuộc về sự bị động, chờ đợi của Bộ tư lệnh các tập đoàn quân, các quân đoàn, sư đoàn thuộc hai phương diện quân Tây Nam và Nam trong những ngày đầu chiến tranh. Khi đó có những chứng cứ rõ ràng qua hoạt động trinh sát quân sự về việc quân đội Đức tập trung xong lực lượng để tấn công và trên thực tế đã mở các tuyến đường qua bãi mìn, dọn vật cản, chuyển quân ra tuyến trước và bắt đầu tấn công nhưng đến phút cuối cùng, họ vẫn chờ đợi một mệnh lệnh từ cấp trên mà không chuyển đơn vị vào ngay tư thế sẵn sàng chiến đấu.[5]

Nguyên nhân thứ ba làm cho các Phương diện quân Tây Nam và Nam cũng như các phương diện quân khác lâm vào tình trạng lúng túng ngay trong ngày đầu tác chiến là bản Mệnh lệnh số 3 ngày 22 tháng 6 năm 1941 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô yêu cầu phản công toàn diện. Đây là một mệnh lệnh xuất phát từ cảm tính mà không xuất phát từ thực tế chiến trường, không tính đến khả năng thực tế của quân đội và các tính toán có căn cứ khác. Cả Bộ Tổng tư lệnh tối cao lẫn Bộ tư lệnh các Phương diện quân Tây Nam và Nam đều chưa nắm được tình hình các hướng mặt trận. Bản Mệnh lệnh số 3 ngày 22 tháng 6 năm 1941 không chỉ là kết quả của cảm tính chủ quan từ cơ quan lãnh đạo tối cao Liên Xô mà còn xuất phát từ báo cáo khá lạc quan về tình hình mặt trận của Bộ tham mưu Phương diện quân Tây Nam. Trong khi Phương diện quân chỉ đủ lực lượng để phòng ngự thì họ lại nhận được lệnh tiến công. Một nhiệm vụ không thể hoàn thành được. Ngay khi nhận được mệnh lệnh này, tại cơ quan chỉ huy Phương diện quân cũng xuất hiện những mâu thuẫn. Chính ủy quân đoàn N.N. Vashughin yêu cầu chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh nhưng trung tướng tham mưu trưởng M. A. Purkaev đề nghị báo cáo với Moskva cho thay đổi nhiệm vụ vì diễn biến chiến sự đã xấu đi. Tư lệnh M. P. Kirponosh buộc phải chọn giải pháp trung bình, phản công có trọng điểm. Quan điểm này được Tổng tham mưu trưởng G. K. Zhukov ủng hộ.[50]

Một nguyên nhân nữa làm cho việc chỉ huy tác chiến bị rối loạn là hành động hăng hái thái quá và bất hợp lý và của các tư lệnh tập đoàn quân và quân đoàn. Đáng lẽ phải từ sở chỉ huy của mình để ra các mệnh lệnh tổ chức tác chiến thì họ xuống đơn vị đang chiến đấu ác liệt nhất và nắm quyền chỉ huy tại đó. Làm như vậy, họ đã để mất vai trò chỉ huy đối với toàn bộ các đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách, không nắm được tình hình của các đơn vị khác dưới quyền, mất liên lạc với cấp trên, với các đơn vị đồng đội ở hai bên sườn. Hành động đó cũng hạn chế vai trò chủ động của thủ trưởng đơn vị cấp dưới mà họ đang có mặt nhưng cũng đẩy các thủ truởng cấp dưới khác vào thế lúng túng do không liên lạc được với cấp trên. Không có sự chỉ huy thống nhất, các đơn vị này phải tự suy xét và xoay xở theo tình huống chỉ ở trên tuyến mặt trận của mình, rất dễ gây tác hại cho các đơn vị khác.[51]

Về chỉ đạo chiến lược, việc thành lập Bộ Tổng tư lệnh hướng Tây Nam đã làm việc chỉ huy phải thông qua khâu trung gian này và không trách khỏi chồng chéo, chậm chạp trong việc ra quyết định Tại mặt trận Ukraina, Phương diện quân Tây Nam vừa chịu sự chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh tối cao vừa chịu sự chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh hướng Tây Nam do nguyên soái S.M. Budyony (С.М Будённый) chỉ huy. Các bộ tư lệnh trung gian này có rất ít tác dụng và thường ra nhiều mệnh lệnh trái ngược do không nắm được tình hình, đồng thời mất nhiều thời gian để khẳng định mệnh lệnh chiến đấu và cũng không có quyền thay mặt Đại bản doanh để quyết định. Chính vì nguyên nhân này, các tập đoàn quân 6 và 12 của quân đội Liên Xô đã bị chậm trễ hai ngày để được phép rút lui khỏi "cái rọ" Uman và đã không thoát vây được. Ngay cả ngày 11 tháng 9, khi Tổng tư lệnh hướng Tây Nam S.M. Budyony nhận thấy tình thế nguy ngập của Phương diện quân Tây Nam và đồng ý với đề nghị của Bộ Tư lệnh phương diện quân về việc rút quân thì I. V. Stalin vẫn ra lệnh với những lời lẽ nặng như chì: "Thôi, hãy chấm dứt việc tìm kiếm tuyến rút lui và phải tìm cách chống lại. Nếu không được phép của Đại bản doanh thì không được bỏ Kiev và không được phá các cầu. Hết."[52] Đến ngày 19 tháng 9, quyết định bỏ Kiev của I. V. Stalin được đưa ra quá muộn và trở nên vô nghĩa khi các tập đoàn quân xe tăng 2 và 4 (Đức) đã bọc lưng Phương diện quân Tây Nam ở Romny. Có đến 3/4 lực lượng của năm tập đoàn quân thuộc Phương diện quân bị loại khỏi vòng chiến đấu sau đó ít ngày.[53]

Điểm mạnh duy nhất của Quân đội Liên Xô mà quân đội Đức Quốc xã không thể khắc chế được là tinh thần chiến đấu. Ở Ukraina cũng giống như ở Belorussia, ở vùng ven Biển Đen cũng giống như ở Pribaltic, quân đội Liên Xô khi bị bao vây, bị lâm vào thế yếu vẫn thường chiến đầu đến cùng. Họ hơn hẳn đối thủ của mình ở chỗ coi thường cái chết, họ kiên trì chiến đấu cho đến khi bị giết. Mặc dù bị bao vây, bị dội bom từ trên không, họ vãn không bị tê liệt về tinh thần. Họ có thể giữ vững được một trận địa với chỉ dăm ba người. Lính Đức đã gặp phải một đối thủ hoàn toàn khác với mặt trận phía tây năm 1940.[54]

Ý nghĩa quan trọng nhất của chiến cục mùa hè kéo dài hơn ba tháng tại Ukraina mà trọng tâm tác chiến là khu vực Kiev là Quân đội Liên Xô đã bằng nỗ lực lớn lao của mình chặn đứng âm mưu chiếm Ukraina trong một thời gian ngắn của quân đội Đức. Không những thế, họ còn thu hút về mình hai binh đoàn quan trọng của quân đội Đức trên hướng Tây, tạo điều kiện cho Bộ Tổng tư lệnh tối cao, các Phương diện quân Tây, Dự bị và Bryansk có thêm thời gian chuẩn bị cho chiến dịch phòng ngự phản công Moskva. Mặc dù chịu thiệt hại lớn về người và phương tiện, gần như mất cả một Phương diện quân nhưng Quân đội Liên Xô tại mặt trận Tây Nam đã làm tiêu hao đáng kể bốn tập đoàn quân hùng mạnh của quân đội Đức, ổn định tạm thời mặt trận Tây Nam trong mùa đông 1941-1942 và tiến hành hai trận phản công thắng lợi tại Rostov và Eletch (???) chỉ hai tháng sau đó.[55]

Về quân đội Đức Quốc xã

Do chiến trường được dự kiến là các vùng thảo nguyên và đồng bằng Ukraina tương đối bằng phẳng, Cụm tập đoàn quân Nam của Đức bố trí các sư đoàn xe tăng trong biên chế các tập đoàn quân dã chiến. Khác với các quân đoàn và sư đoàn Liên Xô thường được tổ chức theo kiểu binh chủng hợp thành (trừ không quân); các sư đoàn, quân đoàn, thậm chí là tập đoàn quân của quân đội Đức Quốc xã được tổ chức chuyên môn hóa cao. Một tập đoàn quân xe tăng Đức thường bao gồm 2 quân đoàn xe tăng và 1 quân đoàn bộ binh cơ giới. Ngược lại, một tập đoàn quân dã chiến Đức thường gồm hai quân đoàn bộ binh và một quân đoàn cơ giới hỗn hợp với một sư đoàn xe tăng và hai sư đoàn cơ giới. Việc sử dụng rộng rãi xe tăng và xe bọc thép đã tạo cho quân đội Đức Quốc xã những "quả đấm thiết giáp mạnh". Khi phối hợp với không quân oanh tạc, xe tăng Đức có sức mạnh đột kích với ưu thế áp đảo.

Ngoài những ưu thế ban đầu về người và phương tiện chiến tranh, các tư lệnh tập đoàn quân của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã biết khoét sâu những điểm yếu của Quân đội Liên Xô còn hoàn toàn chưa được chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Họ tích cực sử dụng các trận trinh sát chiến đấu để phát hiện những chỗ mỏng yếu trên tuyến phòng ngự không liên tục của Quân đội Liên Xô và tung lực lượng xe tăng đột kích vào các "khoảng trống" đó. Đặc điểm mới mẻ về chiến thuật của Cụm tập đoàn quân Tây Nam (Đức) là hạn chế dùng pháo binh để mở trận mà phát huy ưu thế to lớn của không quân oanh tạc. Các máy bay ném bom được sử dụng rộng rãi để chế áp các tuyến phòng ngự của Quân đội Liên Xô trước khi dùng bộ binh cơ giới và xe tăng tấn công và nhanh chóng vây bọc các đơn vị Liên Xô hầu như không được không quân yểm hộ.[56]

Những ưu thế đó chỉ phát huy được trong vài tuần đầu của cuộc chiến. Sức chống cự mạnh không ngờ của quân đội Liên Xô đã không tho phép Bộ tư lệnh Đức đạt được mục tiêu là trong một chiến cục ngắn, thực hiện hợp vây và tiêu diệt quân đội Liên Xô ở phía tây sông Dniev, không cho các lực lượng này rút sâu vào nội địa. Từ tháng 7 trở đi, Cụm tập đoàn quân Nam phải thay đổi chiến thuật. Các thống chế Gerd von Rundstedt và Walther von Reichenau đã không vội vã tấn công trước các binh đoàn cơ giới và bộ binh Liên Xô được tổ chức phòng ngự có chiều sâu trên mặt trận Ukraina. Các tướng lĩnh chỉ huy các tập đoàn quân thường chọn giải pháp đi vòng qua các khu phòng thủ kiên cố và vây bọc các đơn vị Liên Xô thường sa vào thế trận phòng ngự bị động và tiếp tục phát huy lợi thế về xe tăng, cơ giới. Chiến thuật này của họ đã thu được hiệu quả là làm suy yếu dần dần các đơn vị Liên Xô. Thế nhưng, các tướng lĩnh trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức hùa theo thuyết đánh nhanh, thắng nhanh của Hitler lại không hiểu điều này và thường xuyên phê phán Cụm tập đoàn quân Nam tiến quân quá chậm chạp. Chỉ khi bằng chiến thuật đánh tiêu hao này phát huy hiệu quả trong hai trận hợp vây ở Uman và Đông Kiev, những lời phê phán này của các sĩ quan tham mưu Đức ở hậu phương mới tắt dần.[57]

Vì chính chiến thuật này lại mâu thuẫn với phương châm đánh nhanh thắng nhanh nên việc chậm đánh bại Phương diện quân Tây Nam của Liên Xô đã làm cho Adolf Hitler phải điều chỉnh lại kế hoạch Barbarossa vào ngày 17 tháng 8 là ngừng tấn công trên hướng Smolensk - Moskva và điều tập đoàn quân xe tăng 2 cùng tập đoàn quân dã chiến 2 tiến về hướng Romny để phối hợp với tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân dã chiến 6 hợp vây Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô). Sau này có nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Adolf Hitler phái một nửa lực lượng của cụm tập đoàn quân Trung tâm xuống phía nam tiêu diệt Kiev đã bỏ lỡ cơ hội đánh chiếm Moskva trước mùa đông. Tuy nhiên, theo nguyên soái G.K. Zhukov của Liên Xô thì quyết định này là đúng đắn cho quân Đức và sẽ phải xảy ra theo đúng quy luật quân sự và tình thế chiến trường khi đó. Một trong những nguyên nhân đơn giản là quân đội Đức cho dù rất mạnh nhưng cũng vẫn không đủ lực lượng để tổng tấn công trên tất cả các hướng chiến lược cùng một lúc. Điều này lại càng không thể thực hiện được do sau hai tháng chiến tranh, Liên Xô đã kịp động viên lực lượng dự bị của mình trong khi lực lượng dự bị của quân Đức từ các Tây Âu, Đông Âu và nội địa nước khác phải mất gấp đôi thời gian mới có thể tiếp cận chiến trường. Tóm lại, thời gian ủng hộ quân đội Liên Xô.[58] Như các tác giả cuốn The Second World War: Europe and the Mediterranean ghi nhận, dù lúc đó không ai ngờ đến, chiến thắng "Cannae thời hiện đại" này là thắng lợi to lớn cuối cùng của Quân đội Đức Quốc xã ở Liên Xô.[59]

Ảnh huởng quốc tế trước và sau chiến trận

Bầu không khí chính trị thế giới trong thời gian đầu của Chiến tranh Xô-Đức khá phức tạp. Khối đồng minh các cường quốc chống phát xít mới đang trong giai đoạn hình thành. Có những nước mới đây còn tìm cách đẩy nước Đức phát xít hướng về phía đông tấn công Liên Xô thì nay lại đang phải chống lại quân đội Đức Quốc xã; và họ đã thấy Liên Xô là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa phát xít. Vấn đề là liệu Liên Xô có thể đứng vững trước những đòn tấn công khủng khiếp của bộ máy quân sự khổng lồ của nước Đức không? Ông Averall Hariman, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ và Huân tước Beaver Brook, đại diện của thủ tướng Anh Churchill đã nhận được sự khẳng định có cơ sở của Liên Xô. Tuy nhiên, họ vẫn phải "kiểm nghiệm Liên Xô" qua thực tế để trả lời câu hỏi của cử tri Hoa Kỳ: Có nên giúp đỡ vũ khí cho nước Nga Xô Viết không?[60]

Cũng như các trận đánh tại khu vực Moskva, trận Kiev là một thử thách lớn của Liên Xô nói riêng và khối đồng minh chống phát xít nói chung trong 6 tháng chiến tranh đầu tiên. Do nhiều cơ sở công nghiệp sản xuất vũ khí và chế tạo máy bị phá hủy trong tháng đầu của cuộc chiến, các nhà máy sơ tán về phía đông và các nhà máy mới xây dựng chưa đi vào hoạt động ổn định; Liên Xô phải dựa một phần vào nguồn cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh của Hoa Kỳ. Trong đó có cả loại máy bay chiến đấu "E Kobra" được chuyển qua Iran vào Liên Xô.[61] Để bảo đảm chắc chắn rằng vũ khí của Hoa Kỳ giúp Liên Xô sẽ không rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã, tháng 8 năm 1941, tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt phái cố vấn Harry Hopkins đến Moskva nghiên cứu tình hình mặt trận Xô-Đức. Tại buổi chia tay I. V. Stalin ngày 15 tháng 8, cố vấn Harry Hopkins hỏi thẳng: "Đến mùa đông 1941-1942, tuyến mặt trận sẽ ở đâu?" I. V. Stalin trả lời: Đến cuối năm 1941, mặt trận sẽ ở Tây Leningrad, Tây Moskva và Tây Kiev. Đây là một trong những nguyên nhân để biện minh cho việc chậm rút Phương diện quân Tây Nam về tuyến sau của I. V. Stalin. Ở thời điểm đó, việc rút khỏi Kiev sẽ rất bất lợi cho uy tín của Liên Xô trong quan hệ đối ngoại. Mặt khác, việc sớm bỏ Kiev có thể làm cho tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt bị "yếu thế" trong cuộc luận chiến với những người phản đối giúp đỡ Liên Xô cả về chính trị và vật chất và cả những người cho rằng sự giúp đỡ đó phải có điều kiện và tùy thời.[62] Trong số những người chủ trương giúp đỡ Liên Xô một cách có điều kiện, thượng nghị sĩ Harry Truman tuyên bố: "Nếu chúng ta thấy Đức thắng, chúng ta phải giúp Nga. Nhưng nếu Nga thắng, chúng ta phải giúp Đức. Tóm lại là để họ giết nhau càng nhiều càng tốt".[63] Câu trả lời của I. V. Stalin mà Hary Hopkins mang về Hoa Kỳ phải được khẳng định bằng hoạt động có hiệu quả của quân đội Liên Xô trên chiến trường. Do đó, việc cầm cự đến ngày 19 tháng 9 của Phương diện quân Tây Nam trong thế bị quân đội Đức Quốc xã bao vây tuy là một thất bại nặng nề về quân sự nhưng lại có một ý nghĩa chính trị quan trọng. Ngày 21 tháng 8, cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ đều đồng ý về nguyên tắc việc viện trợ vũ khí cho Liên Xô mặc dù không phải với số lượng đủ để có thể bù đắp được những tổn thất vật chất của Quân đội Liên Xô sau các trận đánh mùa hè 1941.

Nhưng thất bại nặng nề của quân đội Xô Viết tại Kiev còn có một khía cạnh khác, nó tác động lên tâm lý của lãnh tụ hai bên làm ảnh hưởng đến kết cục chiến tranh sau này: Tổng chỉ huy tối cao của Liên Xô Stalin sau các thất bại tại Belorussia và Kiev đã nhận thức được những hạn chế về kiến thức quân sự của cá nhân mình và đã biết chú ý lắng nghe ý kiến của Bộ tổng tham mưu và các tướng lĩnh Xô Viết. Trong khi đó Hitler ngày càng quá tự tin vào thiên tài quân sự và năng lực bất khả sai lầm của mình, ngày càng bỏ qua các ý kiến có cơ sở xác đáng của các tướng lĩnh Đức có chuyên môn già dặn. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình điều hành chiến tranh của hai bên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Kiev_(1941) http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://www.9may.ru/galery/page1/ http://militera.lib.ru/memo/ http://victory.rusarchives.ru/catalogue/ http://books.google.com.vn/books?hl=vi&id=HP3-9NNz... http://books.google.com.vn/books?id=5GCFUqBRZ-QC&p... http://books.google.com.vn/books?id=7MA-QiI2jM8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=HP3-9NNz71sC&p... http://books.google.com.vn/books?id=J8ideJ9KDh0C&p... http://books.google.com.vn/books?id=L_xxOM85bD8C&p...